Sử dụng một phần giấy phế liệu để sản xuất, việc Chính phủ quyết tâm siết chặt nhập khẩu nguồn nguyên liệu này khiến nhiều doanh nghiệp ngành giấy gặp khó khăn.
Giấy tái chế không phải nguồn gây ô nhiễm?
Thông tin được ông Phạm Đình Thưởng – Chuyên gia Phân tích chính sách -chia sẻ tại Hội thảo “Ngành sản xuất giấy Việt Nam: Giải pháp chính sách hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy, dự kiến đến năm 2020, nhu cầu thị trường giấy phế liệu sẽ chạm ngưỡng 5 – 6 triệu tấn. Tuy nhiên, làm sao để quản lý hiệu quả, không ảnh hưởng môi trường đang chính là nút thắt then chốt.
Việc Chính phủ siết nhập khẩu giấy phế liệu được coi là động thái tích cực để bảo vệ môi trường. Song, hoạt động này lại đang gây nhiều khó khăn cho DN sản xuất và dẫn đến những tranh luận trái chiều.
Đơn cử, các chuyên gia cấp cao ngành giấy khẳng định giấy không phải là ngành gây ô nhiễm. Hàng năm, ngành giấy đóng góp 1,5% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) Việt Nam, hoạt động xuất khẩu thu về 1 tỷ USD.
Sản xuất giấy từ bột giấy nguyên chất là phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, chế tạo bột giấy lại là quy trình để lại tác động môi trường rất khó xử lý. Hàng năm, nhiều doanh nghiệp ngành giấy thu hoạch gỗ dăm từ bạch đàn để xuất đi các nước để họ nấu bột giấy rồi nhập lại về với giá thành cao. Trung bình, để thu được 1 tấn bột giấy, doanh nghiệp phải chặt đi 5 tấn gỗ, sử dụng 1,500l dầu và nhiều hoá chất khác.
Sử dụng giấy phế liệu làm nguyên liệu thay thế là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất nhưng vẫn bảo vệ môi trường. Thực tế, giấy tái chế là nguồn nguyên liệu rất quan trọng, nguồn đầu vào chủ yếu ở các nước Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và New Zealand.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện – Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Việt Trì – tận dụng giấy tái chế mang mục đích giảm trừ lãng phí, thế nhưng, thực tế là giấy tái chế không thể xoay vòng sử dụng được mãi. Đến vòng tái chế thứ 5 thì giấy không còn độ bền, cứng đủ đề phục vụ nhu cầu sử dụng của con người. “Các doanh nghiệp không thể lẩn quẩn thu gom giấy trong nước. Phải luôn có một lượng giấy tái chế nhập từ nước ngoài”– ông Hiện cho hay.
Tuy nhiên, do hiểu biết về vai trò của ngành giấy còn hạn chế, trong thời gian qua, các văn bản, giấy tờ, nhận xét về ngành giấy bằng những quan điểm chưa khách quan, phiến diện. Ông Phạm Đình Thưởng cho rằng, nói đến giấy, mọi người sẽ liên tưởng đến ô nhiễm và những hậu quả môi trường nghiêm trọng khác. Nhưng thực tế, công nghệ tiêu thụ giấy tái chế sẽ phần nào giải quyết thách thức về trồng rừng nguyên liệu, chi phí cũng như giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất giấy.
Theo ước tính, để đáp ứng nhu cầu về giấy bao bì vào năm 2025, nhu cầu về nguyên liệu sẽ là 13 triệu tấn, lượng giấy thu gom trong nước sẽ vào khoảng 4,3 triệu tấn, còn lại là lượng nhập khẩu giấy tái chế
Ông Nguyễn Văn Hiện chia sẻ, các quốc gia thuộc khối ASEAN+ (Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc) có những tiêu chí đánh giá rất cụ thể về vấn đề này. Nhưng Việt Nam còn thiếu.
Chính vì lẽ đó, từ khi Công văn số 5290/VPCP-KTTH ngày 5/6/2018 về việc quản lý chặt nhập khẩu phế liệu của Chính phủ có hiệu lực, trong tháng 8, năng lực sản xuất của ngành giấy đã giảm 2%, sản lượng giấy bao bì xuất khẩu cũng giảm 8%. Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng, 3 tháng nay, Giấy Việt Trì cũng không được cấp mới giấy phép nhập khẩu.
Không chỉ ảnh hưởng các doanh nghiệp giấy Việt Nam, những doanh nghiệp ngành giấy có vốn đầu tư nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Ông Patrick Chung – Giám đốc doanh nghiệp giấy Lee&Man cho biết, giấy tái chế trên thị trường đang có mức giá rất thấp, tuy nhiên doanh nghiệp không mua thêm vì nguy cơ bị mắc ở cảng cao và phí phạt rất lớn. Việc thông quan nhỏ giọt sẽ khiến các doanh nghiệp không duy trì được lượng sản phẩm đầu ra ổn định, khả năng kéo theo các hệ lụy như cắt giảm nhân công, mất thị phần.
Trong phiên thảo luận của hội thảo, từ doanh nghiệp nội đến FDI đã lên tiếng “giải oan” cho ngành công nghiệp sản xuất giấy. Đối với tình hình sản xuất hiện tại, công nghiệp sản xuất và tái chế giấy là công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường do nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được là rừng trồng, sản phẩm sau khi sử dụng có thể tái chế 100%. Quan trọng hơn hết, các chất thải trong quá trình sản xuất gồm có nước thải, khí thải, chất thải rắn đều đã được xử lí triệt để đáp ứng tiêu chuẩn để bảo vệ môi trường.
Tham khảo những gì trên thế giới đã và đang làm cho khía cạnh bao bì, nhiều quốc gia khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay cho bao bì nhựa. Số liệu thực tế cho thấy, tái chế giấy là hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Chưa kể, tiềm năng sử dụng giấy trong nước còn rất lớn khi vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát động phong trào không dùng túi nilon. Nếu túi giấy được sử dụng làm sản phẩm thay thế thì nhu cầu cho ngành giấy sẽ tiếp tục tăng cấp số nhân. Bên cạnh đó, ở các ngành công nghiệp khác, hoạt động xuất khẩu may mặc, nông thủy sản gỗ đang trên đà phát triển ổn định, các mặt hàng này xuất đi nước bạn hiển nhiên phải có vỏ, phải có bao bì. Hơn nữa, trong bối cảnh Trung Quốc định hướng tăng lượng thu gom trong nước, giảm lượng nhập khẩu, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam có cơ hội tiếp cận với loại nguyên liệu này với giá thành phù hợp và nguồn cung dồi dào.
Chia sẻ về động thái của cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết: “Sử dụng biện pháp cực đoan như cấm vận chưa phải là giải pháp tối ưu, ngược lại, tăng cường quản lý để tránh các hành vi gian lận thì mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và còn cho kinh tế thị trường”.
Sàng lọc thị trường, mở cửa cho các doanh nghiệp uy tín
Về giải pháp cho vấn đề này trong tương lai, ông Phạm Đình Thưởng cho rằng, thay vì cấm nhập khẩu hàng loạt, cơ quan nhà nước nên có quy phạm để giới hạn đối tượng nhập khẩu, để cho các doanh nghiệp uy tín vẫn có thể giao thương, tạo thuận lợi cho thương mại.
“Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hiện Việt Nam có khoảng 53 doanh nghiệp ngành giấy nhập khẩu giấy tái chế theo hình thức ủy thác. Chính phủ phải có các tiêu chí để xem xét, đánh giá xem thương nhân nhập khẩu úy thác thực chất có nhập cho các doanh nghiệp sản xuất không” – ông Thưởng cho hay. Ngoài đánh giá mục đích sử dụng, hạn ngạch nhập khẩu cũng cần được xem xét vì phải đảm bảo cân đối với năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm của ông Thưởng, ông Patrick Chung cho biết, ông ủng hộ chính sách ngăn chặn các tổ chức, cá nhân nhập giấy tái chế nhưng không có nhu cầu phục vụ cho sản xuất.
Ông Thưởng chia sẻ thêm, việc giám sát, đảm bảo doanh nghiệp chấp hành theo luật định của nhà nước cũng là vấn đề quan trọng. Thực tế, luật của Việt Nam có tham khảo nhiều nước trên thế giới, nhưng tính khả thi và chuyện thực thi của doanh nghiệp mới phản ánh được tính hiệu quả của luật. Ông nhấn mạnh: “Thay vì kiểm tra ở ngọn thì chúng ta có thể kiểm tra tại nguồn, ví dụ yêu cầu nguồn nhập khẩu cung cấp chứng nhận tỉ lệ tạp chất, và kiểm tra tại nhà máy. Thực hiện như thế thì doanh nghiệp không thể kêu được”.
Ở thời điểm hiện tại, bình quân mỗi người Việt Nam chỉ sử dụng 47kg túi giấy một năm. Ở các nước phát triển như Nhật Bản và Mỹ, con số này lên đến 230kg/người. Nếu con số này đạt 1/3 con số này là ngành giấy Việt Nam phát triển mạnh. |
Theo Phương Lan báo công đoàn