Cùng với đó, nguyên liệu cho sản xuất giấy từ giấy thu hồi (phế liệu giấy) có vai trò rất quan trọng trong sản xuất giấy bao bì: Năm 2019 dự kiến là 4,5 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng 11 triệu tấn.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom trong nước chỉ đạt khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu.
Theo TS. Đặng Văn Sơn- Tổng Thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), nguyên nhân do chưa có cơ chế, chính sách cho hoạt động thu gom tái chế, trong khi đó tại các nước như Nhật Bản, coi phế liệu giấy là tài nguyên quốc gia và tỷ lệ thu gom trong nước đạt trên 82%, tỷ lệ thu gom trung bình của thế giới là 59% năm 2018.
Chia sẻ về thực trạng trên, TS. Đặng Văn Sơn trăn trở, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về dăm gỗ (sản xuất bột giấy) khoảng 11 triệu tấn/năm, nhưng lại nhập khẩu gần 0,4 triệu tấn bột giấy/năm (chiếm tỷ trọng đến 68% tiêu dùng), trong khi giá dăm gỗ xuất khẩu vào khoảng 120 USD/tấn, giá bột giấy nhập khẩu trên 800 USD/tấn.
Theo TS. Đặng Văn Sơn, sản xuất từ dăm gỗ ra bột giấy mang lại lợi nhuận lớn nhất nhưng đầu tư bột giấy có nhiều rủi ro, tỷ trọng đầu tư lớn.
Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để ngành giấy phát triển.
VPPA cũng kiến nghị, nhà nước cần có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng về ngành giấy, không nên để phát triển tự phát như hiện nay.
Để phát triển được vùng nguyên liệu gỗ, phát triển sản xuất, đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành từ chính sách để trồng rừng và phát triển công nghệ trong sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ được môi trường.
Nhà nước cần tạo điều kiện ưu đãi trong việc tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ, đào tạo, nghiên cứu thị trường, thuế…
Theo VPPA, 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy thu về 808,44 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018.