Giấy nhập khẩu và giấy nguyên liệu tại thị trường nội địa đồng loạt tăng giá và đứng ở mức cao, bởi nguồn cung thiếu hụt trong khi ngành giấy chưa chủ động được nguyên liệu và quá phụ thuộc vào nhập khẩu.
Giá giấy trên thị trường trong những ngày đầu tháng 6/2019 đã tăng ở hầu hết các chủng loại. Cụ thể, trong tháng 5/2019 giá giấy sản xuất tập định lượng 58 gsm có giá 24 triệu đồng/tấn, thì nay đã tăng lên 800.000 – 1 triệu đồng/tấn. So với cuối tháng 3/2019, giá giấy in tập này đã tăng thêm 15% và tăng tổng cộng xấp xỉ 30% so với từ đầu năm đến nay.
Đối với giấy in báo tăng mạnh. Từ cuối tháng 2/2019 giá bình quân 2,2 triệu đồng/tấn và tiếp tục tăng thêm 15-20% cho các lô giấy giao từ cuối tháng 8 tới. Giá giấy in báo tăng và hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, do hai thương hiệu lớn của ngành giấy trong nước trước đây đều không còn sản xuất giấy in báo nữa. Theo các công ty thương mại, giấy in báo sẽ có mức giá mới kể từ đầu quý 3/2019, sau khi hợp đồng cũ giao hàng cho các đơn vị có nhu cầu kết thúc vào cuối tháng 6.
Ngoài nguyên nhân nguồn cung thiếu hụt, phụ thuộc vào nhập khẩu thì việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt chính sách môi trường đối với doanh nghiệp bản địa, kể cả việc nhập khẩu nguyên liệu tái chế, dẫn đến việc hàng loạt nhà máy giấy và bột ô nhiễm của Trung Quốc bị đóng cửa. Điều này khiến nguồn cung giấy bị thiếu cục bộ, làm giá giấy bao bì cactông tăng theo. So với mức giá hồi tháng 9/2017, giá giấy bao bì cactông hiện đã tăng 25 – 30%.
Mặc dù nhu cầu sử dụng giấy các loại của Việt Nam đều tăng dần qua từng năm, nhưng khả năng đáp ứng từ nguồn trong nước ngày một thu hẹp. Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, các loại giấy được tiêu thụ phổ biến tại Việt Nam là giấy in báo, giấy in, giấy viết, giấy bao bì và giấy ăn, trong đó giấy in báo nhập hoàn toàn. Giấy in, giấy viết trong nước sản xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng. Còn giấy ăn và giấy bao bì phần lớn từ sản xuất trong nước, một phần nhỏ từ nhập khẩu.
Để sản xuất giấy in, giấy viết phải có bột giấy. Vậy nên khi giá nguyên liệu bột giấy tăng, giá thành phẩm phải tăng. So với cùng kỳ năm trước, giá bột giấy đã tăng gần 100%, hiện ở mức 900 – 1000 USD/tấn và đang chững lại trong vòng 1 tháng qua.
Theo số liệu thống kê từ TCHQ, 5 tháng đầu năm 2019 nhập khẩu giấy và sản phẩm từ giấy đạt trên 1 tỷ USD, trong đó giấy các loại đạt 760,4 triệu USD, tăng 12%; sản phẩm từ giấy đạt 282,3 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2017.
Riêng đối với mặt hàng giấy, kim ngạch nhập đã tăng trở lại trong tháng 5, tăng 15,2% về lượng và 15,8% về kim ngạch so với tháng 4, đạt 181,9 nghìn tấn và 171,9 triệu USD, nâng lượng giấy nhập khẩu tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2019 lên 821,7 nghìn tấn, 760,4 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và 12% về kim ngạch, giá nhập bình quân đạt 925,3 USD/tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.
Giấy nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh
Việt Nam nhập khẩu giấy chủ yếu từ thị trường Trung Quốc đại lục, chiếm 19,2% tổng lượng nhóm hàng, đạt 158,5 nghìn tấn, 139,1 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 8,48%, nhưng kim ngạch tăng 7,44%, bởi giá nhập bình quân 877,5 USD/tấn tăng 17,4%.
Sau thị trường Trung Quốc, Việt Nam nhập nhiều từ các thị trường như Hàn Quốc, đạt 129,5 nghìn tấn, 117,5 triệu USD, tăng 30,57% về lượng và 28,92% kim ngạch. Giá nhập bình quân 907,8 USD/tấn, giảm 1,2% so với 5 tháng năm 2017. Kế đến là các thị trường Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan….
Bên cạnh các thị trường chủ lực, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu giấy từ Ấn Độ. Mặc dù lượng giấy nhập từ thị trường này chỉ đạt 14,8 nghìn tấn, 18,5 triệu USD nhưng tăng gấp 3,3 lần về lượng và hơn 1,5 lần kim ngạch (tức tăng lần lượt 232,13%; 60,35%). Giá nhập bình quân 1250,2 USD/tấn, giảm 54,7% so với cùng.
Tuy lượng giấy nhập từ các thị trường trong 5 tháng đầu năm nay đều sụt giảm, chiếm tới 67%, nhưng giá nhập từ các thị trường đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ, trong đó nhập từ thị trường Italy tăng mạnh nhất 114,82%, đạt 1859,81 USD/tấn. Đáng chú ý, nhập từ các nước Đông Nam Á đều ở mức thấp như thị trường Philippines đạt 593,94 USD/tấn, kế đến là Đài Loan (Trung Quốc) 642,57 USD/tấn… trong khi đó nhập từ các thị trường như Đức, Italy, Pháp, Áo đều đạt lần lượt: 2184,81 USD/tấn; 1859,81 USD/tấn; 1533,19 USD/tấn và 1397,97 USD/tấn.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu giấy 5 tháng đầu năm 2019
Thời gian tới giá tiếp tục xu hướng tăng do nguồn nguyên liệu vẫn thiếu hụt và phụ thuộc vào nhập khẩu. Dự báo, giá giấy in báo sẽ vượt ngưỡng trên 20 triệu đồng/tấn so với mức giá bình quân 18,5 – 18,7 triệu đồng/tấn như hiện nay.
Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, để chủ động được nguồn nguyên liệu và hạn chế nhập khẩu, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho sản xuất bột giấy trong các vấn đề, như tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ, tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA để phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy…