Cần cơ chế mở để hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đã kiến nghị Nhà nước cần có chính sách quốc gia coi giấy đã qua sử dụng không phải là phế liệu mà là nguyên liệu thứ cấp (trên thế giới người ta dùng từ “giấy thu hồi” để nhấn mạnh bản chất của loại nguyên liệu này) và việc thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng, sử dụng giấy tái chế là việc làm ích nước, lợi dân.

Từ đó có các chính sách khuyến khích trong việc thu gom, phân phối và tái chế giấy đã qua sử dụng (nếu được coi những hoạt động này là những hoạt động không chịu thuế), trong tín dụng và giảm thuế VAT (Từ 1/7/2015, Trung Quốc đã giảm 50% thuế VAT cho các loại giấy sản xuất từ giấy thu hồi).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy (QCVN 12-MT : 2015/BTNMT) quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp giấy và bột giấy khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho rằng, trước khi Quy chuẩn ban hành về các thông số BOD, COD, độ màu và nhất là về dioxin; các hệ số về lưu lượng dòng chảy (kq), hệ số dung tích (kq) của nguồn tiếp nhận nước thải và hệ số lưu lượng nguồn thải (kf) vẫn không được chấp thuận.

QCVN 12-MT : 2015/BTNMT đã tạo nên một hàng rào khó ai vượt qua được. Phần lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể thực hiện được Quy chuẩn và dần bị loại trừ. Điều này đã khiến ngành giấy đứng trước nguy cơ sụp đổ dần.

Trong khi đó, theo Điều 58 Nghị định 38/2015/NĐ-CP, tất cả các doanh nghiệp sản xuất giấy đều phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu vì đơn vị có sản lượng thấp nhất cũng phải nhập 1.000 tấn/tháng (2 lô), với số tiền ký quỹ 800 triệu/tháng.

Tính bình quân, doanh nghiệp sản xuất giấy nhập khẩu 2.500 tấn/tháng; số tiền ký quỹ là 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất giấy ký quỹ nhiều nhất là 8 tỷ đồng (10.000 tấn/tháng). Việc ký quỹ làm cho chi phí sản xuất tăng và vốn lưu động cùa doanh nghiệp giảm do phải dùng vốn lưu động để ký quỹ.

Ngay từ khi góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, rồi dự thảo Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Hiệp hội đã đề nghị không đưa nội dung ký quỹ vào Luật và Nghị định. Khi đã đưa vào Luật rồi, hãy chưa đưa vào Nghị định (như 5 năm trước đây) và nếu buộc phải đưa thì chỉ ở mức 5% giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Vì vậy, VPPA kiến nghị, Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách, cơ chế mở hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp ngành giấy trong nước tiếp cận các nguồn tài chính để thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA)

 Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

0912 01 92 99