FTA mở ra những cơ hội mới. Các doanh nghiệp trong ngành giấy có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn để tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và cung ứng được nguồn nguyên nhiên liệu, thiết bị với giá cạnh tranh. Nhất là khi Châu Á được đánh giá là một trong những khu vực có nhu cầu về các sản phẩm giấy cao nhất thế giới mang đến thị trường tiềm năng cho ngành giấy Việt Nam. Việc tiếp thu công nghệ mới, phương thức quản lý tiên tiến của các cường quốc về công nghệ giấy như Inđônêxia, Thái Lan… để nâng cao hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành giấy Việt Nam giúp ngành giấy tiếp cận dễ dàng. Qua đó cũng mang lại cơ hội cho việc phát triển quan hệ đối tác với nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm về giấy. FTA còn giúp cho ngành giấy tiếp cận tốt hơn nguồn tài chính, tín dụng đa dạng cả trong và ngoài nước để tăng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Và không ít những thách thức
Lộ trình cắt giảm thuế vừa là cơ hội để DN nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ nhưng lại đặt ra thách thức lớn cho các DN sản xuất trong thị trường nội địa khi giấy nhập khẩu từ nước ngoài dễ dàng xâm nhập thị trường Việt Nam. Trong khi đó, chất lượng mặt hàng giấy từ các nước như Indonesia, Thái Lan đều tốt hơn Việt Nam mà giá thành tương đương. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp giấy của Việt Nam thường quy mô nhỏ, máy móc thiết bị thiếu và yếu, đa phần là máy cũ nên chất lượng giấy không thể đạt như các nước khác. Bên cạnh đó, mặt hàng giấy của DN Việt Nam tuy thuận lợi hơn khi tiết kiệm được chi phí vận chuyển nhưng thường sản xuất nhỏ lẻ, trong khi hàng của các nước khác được sản xuất hàng loạt, với số lượng lớn nên chi phí sẽ bù lại phí vận chuyển để đưa ra giá thành rất cạnh tranh với DN trong nước. Do vậy, nguy cơ phá sản hoặc chuyển đổi sản xuất kinh doanh do năng lực cạnh tranh kém là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra với không ít doanh nghiệp hoạt động trong ngành giấy.
Khi bước vào hội nhập, các doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí cho việc quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực,… nếu muốn tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình và muốn nhiều người biết đến sản phẩm khi tiến ra thị trường thế giới.
Hướng đi của các doanh nghiệp
Trước những cơ hội và thách thức đó, các DN giấy Việt Nam bắt buộc phải có kế hoạch để cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, nếu không, khi hàng hóa các nước trong khối ASEAN tràn vào, sản phẩm giấy của nước ta chắc chắn sẽ lâm vào thế yếu.
Nhìn chung, hướng đi của các doanh nghiệp là cải thiện hệ thống sản xuất, máy móc để nâng cao về số lượng và chất lượng cho sản phẩm giấy. Tuy nhiên, để làm được những công việc này, các doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ về vốn và những cải thiện của Nhà nước về việc cung cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị.
Từ trước đến nay, thực trạng của ngành giấy vẫn là nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, sản phẩm không đạt chất lượng, phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Vì thế, đứng trước các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nếu muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp ngành giấy phải có những nỗ lực để thay đổi, phải có sự bứt phá bằng mọi giá.
Theo PV TH